Phản ứng của sao Việt khi bị gọi là “ca sĩ hội chợ”
Đã từ lâu, cụm từ “ca sĩ hội chợ” vẫn thường được dùng để chỉ những ca sĩ thường xuyên chạy show tại các tỉnh. Mặc dù hoạt động lâu năm trong nghề, sở hữu lượng fan hùng hậu, cống hiến không ít bản hit cho làng nhạc Việt, những nghệ sĩ này vẫn thường bị một bộ phận khán giả và truyền thông xem nhẹ. Dưới đây là phản ứng của loạt sao Việt bị gắn mác “hội chợ”.
Lâm Chấn Khang
Là một giọng ca thành danh trong giới, Lâm Chấn Khang được nhiều người ưu ái dành tặng danh hiệu “ông vua miền Tây”. Khi đề cập đến vấn đề này, anh không tránh khỏi cảm xúc buồn khi một bộ phận công chúng đánh giá thấp những nghệ sĩ chạy show ở các tỉnh.
“Suy nghĩ của họ quá kém và cách nhìn đó của họ khiến tôi cảm thấy buồn. Rất nhiều nghệ sĩ lớn hiện giờ cũng biểu diễn cùng sân khấu và trân trọng những ca sĩ như tôi. Trong những lần diễn chung, tôi cảm thấy họ vui vẻ, hoà đồng chứ không có sự phân biệt như khán giả nói”.
Lâm Chấn Khang chạnh lòng khi ca sĩ hội chợ bị xem thường
“Từng có người nói rằng ca sĩ tỉnh chuyên hát “chuồng gà”, điều đó khiến tôi rất buồn, bởi tổ nghiệp chúng tôi ngày xưa đi hát phải xin từng đồng, từng cắc. Ai trong nghề mà nói về ca sĩ tỉnh như thế thì có thể họ sẽ không tiến được xa”
Nam ca sĩ cho biết mỗi người có quan niệm sống và lựa chọn con đường phát triển khác nhau. Chủ nhân series Người trong giang hồ cho biết bản thân luôn sống với tâm niệm sống vì chính mình, quan trọng là làm ra tiền, lo được cho cuộc sống của mình, và không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm.
Phạm Trưởng
Là một trong những ca sĩ đắt show hội chợ và sở hữu không ít bản hit làm mưa làm gió Vpop, Phạm Trưởng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: "Mỗi ca sỹ có một cuộc sống riêng, người có gốc giàu sẵn thì họ không cần tiền, chỉ cần sự nổi tiếng nên họ có quyền lựa chọn sân khấu cũng như chương trình và đối tượng khán giả... Nếu tất cả ca sỹ đều chọn hát sân khấu lớn thì những sân khấu nhỏ, những khán giả ở tỉnh, những khán giả không đủ điều kiện kinh tế thì lấy ai phục vụ họ. Như vậy chính xã hội đang phân biệt giai cấp, giàu nghèo phải không?".
Phạm Trưởng cho biết việc xem nhẹ ca sĩ hội chợ cũng đồng nghĩa với việc phân biệt giai cấp giàu nghèo
“Không phải đứng hát trên sân khấu hội chợ là dễ, phải bản lĩnh sân khấu, phải ăn khách , phải như thế nào đó bầu show mới đặt lịch. Vậy nên có ai gọi tôi ca sỹ hội chợ thì tôi khá bình thường, miễn sao tôi được hát, được kiếm tiền bằng sức lao động của mình thì ai gọi gì cũng được”. – Phạm Trưởng cho biết.
Khởi My
Không mạnh mẽ như các sao nam, nữ ca sĩ cá tính và lạc quan như Khởi My cũng có lúc không kìm được cảm xúc khi kể lại chuyện bị gán ghép với cụm từ “ca sĩ hội chợ”.
Còn nhớ trong dịp họp fan kỷ niệm 10 năm ca hát, nữ ca sĩ đã bật khóc chia sẻ rất nhiều về chuyện đời và chuyện nghề. Khởi My tâm sự không sợ biệt danh “ngôi sao hội chợ” nhiều người gán cho mình. Thay vào đó, cô chia sẻ việc đi hát ở những địa điểm này lại là cơ hội may mắn để thân thiết và gần gũi với tất cả fan như bạn bè.
Khởi My từng bật khóc khi kể lại việc bị gọi là ca sĩ "chuồng gà"
Mặc dù, cho tới tận bây giờ, cô vẫn còn bị xem là ca sĩ hội trợ trong mắt nhiều người. Các bài hát của cô bị đánh giá là nhạc thị trường và thường hát ở những sân khấu bình dân kiểu “chuồng gà”.
"Tuy nhiên tôi không quan tâm cách nhìn của người khác về mình. Bởi việc đi hát ở những sân khấu như vậy giúp tôi được đến gần hơn với nhiều đối tượng khán giả của mình", nữ ca sĩ nói.
Châu Khải Phong
Đối với ca sĩ Châu Khải Phong, anh chia sẻ bản thân không quan ngại việc người khác đánh giá như thế nào về con đường mình đã chọn. Nam ca sĩ vẫn lạc quan và sống tốt với việc hát phục vụ các khán giả tỉnh.
“Tôi nghĩ mình có khán giả riêng, ủng hộ mình nhiệt tình. Còn sự phân biệt thứ hạng A,B,C… trong nghề chắc chắn có, không chỉ từ đồng nghiệp mà cả khán giả. Xã hội muôn hình muôn vẻ nên sở thích khán giả cũng khác nhau. Tôi cũng không buồn vì điều đó".
Châu Khải Phong vẫn sống vui với việc phục vụ khán giả khu vực tỉnh lẻ mặc cho nhiều định kiến
Châu Khải Phong cho biết mặc dù theo đuổi dòng nhạc thị trường nhưng anh vẫn tự tin mình vẫn có thể hát được những dòng nhạc sang: “Xét về chuyên môn, tôi tự tin hát được dòng nhạc sang, có tính học thuật hơn. Tuy nhiên khán giả của tôi lại là khán giả ở tỉnh. Món ăn dành cho nhiều người ở tỉnh phải là bài hát dễ nghe, dễ hiểu và dễ thuộc. Tôi muốn được nhiều khán giả biết tới nên không hối hận theo con đường thị trường, hay bị gắn biệt danh ca sĩ hội chợ”.
Hồ Quang Hiếu
Thay vì bày tỏ quan điểm về cái nhìn của công chúng về cái mác “ca sĩ hội chợ”, Hồ Quang Hiếu chỉ ra những thử thách và khó khăn mà những nghệ sĩ lựa chọn phân khúc này. Anh cho thấy việc theo đuổi con đường chạy show tỉnh không phải ai cũng bám trụ được.
Theo nam ca sĩ, khi đi diễn ở các tỉnh, những nghệ sĩ phải đối diện với không ít sự cố từ sự quá khích của khán giả đến rủi ro về cat-xe phía bầu show. “Có nhiều trường hợp đi diễn khán giả say xỉn chạy cả lên sân khấu quậy. Hoặc, nhiều khi làm mấy chương trình ca nhạc, khán giả ngồi dưới vừa xem, vừa nhậu”. – Hồ Quang Hiếu kể lại.
Hồ Quang Hiếu chia sẻ những thử thách mà ca sĩ hội chợ phải đối diện
Bên cạnh đó, chuyện bị bầu show quỵt tiền hay hăm dọa cũng không phải chuyện hiếm. “Có bầu show đi làm được 1, 2 show cảm thấy quen biết không làm hợp đồng, không lấy tiền đặt cọc. Đến nơi diễn xong không thấy bầu show đâu, họ trốn luôn. Hoặc có nhiều bầu show không làm hợp đồng, nói thì một đường, trả một nẻo, thích đưa bao nhiêu thì đưa.
Có trường hợp sắp đến sân khấu trời mưa, bầu show tắt máy, không trả tiền chi phí đi lại cho ca sĩ, hủy luôn show giữa chừng. Ca sĩ không làm được gì. Ca sĩ hãy tự bảo vệ lấy mình trong chuyện làm ăn, nên hợp đồng giờ giấc, cát-xê ngày, giờ rõ ràng”, Hồ Quang Hiếu tâm sự.
Bình luận