Nghệ sĩ Hoài Linh và những tiết lộ bất ngờ về thời quá khứ cơ cực

  • 11:03 01/09/2017

Danh hài Hoài Linh hiện đang là một trong những nghệ sĩ sở hữu lượng fan hâm mộ đông đảo đến từ khắp nới, thuộc mọi tầng lớp và tuổi tác. Ngoài ra, anh còn là một trong số những nghệ sĩ quyền lực nhất showbiz hiện nay. Thế nhưng, ít người biết được, để đạt đến ánh hào quang của ngày hôm nay của “anh Bốn” là cả một tuổi thơ cơ cực và những năm tháng lăn lộn với sân khấu.

Hoài Linh - người con trai trưởng trong gia đình 6 anh chị em

Quê gốc ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhưng Hoài Linh sinh ra và lớn lên tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Anh là con thứ tư và là con trai trưởng trong gia đình có 6 anh chị em. Ngày còn bé, anh đã được cha mẹ dạy bảo rất nghiêm khắc về những lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế.

Từ việc phải biết lễ phép với người lớn, yêu thương anh chị em, không được cãi vã và trong bất cứ trường hợp nào cũng phải giải quyết một cách nhẹ nhàng. Do đó, từ nhỏ các chị em của danh hài không bao giờ giành giật đồ chơi mà luôn nhường nhịn nhau.

Hình ảnh hiếm hoi thuở bé của các chị em danh hài Hoài Linh

Năm 7 tuổi, do quá khó khăn, cha mẹ anh quyết định đi vùng kinh tế mới. Từ bán đảo Bình Ba, họ lên một chiếc thuyền nhỏ cùng nhiều hàng xóm đến Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai.

Đặt chân đến vùng đất mới, không nhà không cửa, cha mẹ anh phải mua chiếc chuồng heo mới xây của người dân rồi giăng vải dù lên làm nơi cư ngụ. Diện tích căn nhà chỉ vỏn vẹn 10m2, trống trước hụt sau, ngày mưa thì nước tạt ướt hết người, ngày nắng thì nóng rang cả người…

Một thời gian sau, cha của Hoài Linh có việc không thể ở nhà. Thế là mọi gánh nặng trong gia đình dồn lên vai mẹ của anh. Một mình bà phải vất vả chăm đàn con nhỏ, nuôi mẹ ruột cùng mẹ chồng.

Bà làm nghề y tá và tham gia công tác hoạt động xã hội khá xông xáo. Ngoài ra, bà làm bất kể việc gì chỉ cần có tiền chèo chống gia đình. Cực khổ là thế nhưng bà chưa một lần than vãn, bà vẫn luôn lạc quan ca hát và nở nụ cười trên môi. Đây cũng là một đức tính mà danh hài đã học hỏi được từ mẹ.

Anh học hỏi được từ mẹ đức tính lạc quan, luôn yêu đời

Quá khứ thay cha phụ mẹ gánh vác gia đình

Vì là con trai cả trong nhà, nên ngoài thời gian đến trường anh còn phải đỡ đần mẹ trong mọi việc. Từ việc dọn dẹp nhà cửa, trông đàn em, đến công việc đồng án. Mỗi lần mẹ ra đồng, anh cũng xách cuốc theo sau.

Anh quan sát, thấy mẹ cấy, trổ nước như thế nào thì làm theo thế ấy. Hết mùa, anh lại ra ruộng mót khoai, sắn, hái rau bắt ốc về cải thiện bữa cơm gia đình... Cứ thế, chân anh ngấm phèn và trở thành nông dân “rặt” từ lúc nào không hay.

Năm lên 10 tuổi, ở địa phương tổ chức cuộc thi cấy lúa. Lúc đầu, anh không có ý định thi, nhưng khi nghe đến phần thưởng là một chiếc nón lá và xấp vải thì anh quyết định tham gia để dành tặng mẹ. Lần đó, anh giật giải thật. Cầm món quà của con trao tặng, mẹ anh mắt ngân ngấn nước.

Năm 10 tuổi, anh đã giành được phần thưởng một chiếc nón lá và xấp vải từ cuộc thi cấy lúa để dành tặng mẹ

Lớn hơn một chút, Hoài Linh còn bắt đầu kiếm tiền bằng việc buôn bán trái cây. Cứ mùa nào anh lại bán trái nấy, lê la từ khắp các trạm kiểm soát đến các hàng quán. Tuy phải bươn chải mưu sinh từ nhỏ, nhưng “anh Bốn” vẫn hoàn thành đầy đủ 12 năm học với học lực khá.

Khiếu hài hước và cái duyên nghệ thuật của Hoài Linh

 

Duyên nghệ thuật đến với anh cũng rất tình cờ. Vốn sẵn tính hài hước từ nhỏ, Hoài Linh vẫn luôn thích trêu chọc mọi người xung quanh, lấy tiếng cười làm niềm vui. Một lần, anh gặp nghệ sĩ Thanh Lộc, là diễn viên đoàn kịch Khánh Hòa mới chuyển sang đoàn ca múa nhạc dân tộc Ponaga. Thấy Hoài Linh có tố chất, anh Lộc rủ Hoài Linh cùng diễn xuất. Vai diễn đầu tiên được giao là vai sứt môi trong tiểu phẩm Ngọc Hoàng xử án.

Vì là lần đầu tiên đứng trên sân khấu biểu diễn trước hàng nghìn người, anh không giấu được nỗi lo lắng. Ấy vậy mà lúc diễn, bao lo sợ như biến mất và anh đã vào vai rất “ngọt”. Đến khi diễn xong, bước vào cánh gà, nghe được tiếng vỗ tay của khán giả bên dưới anh mới thở phào nhẹ nhõm.Ngày ấy, cát-xê thấp, anh chỉ xem đây là cuộc dạo chơi mỗi khi rảnh rỗi và vẫn tiếp tục công cuộc mưu sinh của mình.

Nghệ sĩ Hoài Linh lần đầu đứng trên sân khấu biểu diễn không khỏi hồi hộp và lo lắng

Năm vừa tròn 20 tuổi, Hoài Linh cùng gia đình sang Mỹ định cư. Hàng chục giờ ngồi trên máy bay là hàng chục những băn khoăn, lo lắng của anh về tương lai: nước Mỹ là đất nước như thế nào, ở bên đó mình sẽ sống như thế nào, khi nào mới được trở về quê hương…

Và đúng như những gì anh lo lắng, những ngày tháng đầu của Hoài Linh ở nơi đất lạ quê người rất vất vả. Công việc đầu tiên anh làm là ra chợ phụ bác bán thịt heo, rau cá… Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, sức khỏe anh giảm sút đi rất nhiều, vì thế nên phải xin nghỉ và chuyển sang làm công nhân tại một hãng điện tử hàn chíp bo mạch. Công việc ở đấy dù không nặng nhưng khiến anh giảm thị lực. Một lần nữa, Hoài Linh phải chuyển nghề và xin bán hàng cho người quen.

Những ngày tháng đầu trên đất Mỹ của Hoài Linh khá vất vả, anh phải chuyển việc đến hai ba lần

Cứ như định mệnh đã bắt anh phải gắn với nghiệp sân khấu, qua đến Mỹ anh lại có cơ duyên tiếp cận với nghệ thuật. Trong một lần đi ăn sinh nhật, Hoài Linh góp vui bằng một tiết mục tấu hài và vô tình nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người xem bên dưới. Từ đó, con đường nghệ thuật đeo chặt anh đến tận ngày hôm nay.

Lần đầu tiên bước lên sân khấu với vở độc tấu Cười ba miền, anh run lắm. Anh vận dụng hết tất cả vốn từ, khả năng giả giọng đa sắc để diễn. 10 phút trôi qua, khi nghe được tiếng vỗ tay kèm theo những tràng cười sảng khoái của khán giả, anh mới thở phào. Thế nhưng, sau lần đầu chạm ngõ ấy anh trở về nhà trọ và chờ đợi trong vô vọng.

Những ngày tháng lăn lộn với sân khấu và trái ngọt

 

Quyết không bỏ cuộc, anh lại đi đến nơi khác tìm cơ hội. Lần này, anh đến hát tại phòng trà của người anh đồng hương. Giọng ca của Hoài Linh được chú ý và được giới thiệu với một trung tâm âm nhạc để thu âm băng cassette với giá 3.000 USD (khoảng 66 triệu đồng). Đây là số tiền lớn đầu tiên anh nhận được từ hoạt động nghệ thuật. 

 

Quyết bám trụ với nghề, nam danh hài đã không ngừng tìm kiếm cơ hội và cuối cùng cũng nếm được trái ngọt

Sau đó, anh thu âm băng hài mang tên Cười ba miền. Từ ngày ra băng riêng, anh được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tên tuổi Hoài Linh vụt sáng từ đó và tiền cát-xê tăng lên nhanh chóng.

Cái tên Hoài Linh được khán giả chú ý vì là một nghệ sĩ đa tài, vừa có thể diễn hài, diễn bi, múa, ca hát... Nhưng điều để lại ấn tượng nhất về anh chính là biệt tài giả gái và giả giọng nhiều vùng miền.

Anh thừa nhận mình giả gái khá nuột nà. Bởi, ngày nhỏ, Hoài Linh rất thân thiết với mẹ và các chị. Anh quan niệm, muốn giả gái phải diễn như thật, đưa cái cốt cách của người phụ nữ Việt lên sân khấu chứ không phải làm lố để mua vui.

Một Hoài Linh thành danh nơi đất khách nhưng vẫn luôn đau đáu về quê nhà

Đạt được thành công trên sân khấu hải ngoại nhưng trong thâm tâm của nam danh hài vẫn luôn đau đáu về quê nhà. Vì thế, anh quyết định về nước dù biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Anh Bốn" quyết định gác lại ánh hào quang nơi đất hải ngoại để trở về phục vụ bà con ở quê hương

Và quả là khó khăn thật vì tên tuổi Hoài Linh lúc bấy giờ vẫn chưa được nhiều người biết đến ở Việt Nam. Nhưng may mắn đã đưa anh gặp gỡ nghệ sĩ Hữu Châu và gắn bó với sân khấu Nụ Cười Mới. Với lối diễn duyên dáng, mộc mạc, diễn như không diễn đã giúp Hoài Linh nhanh chóng chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả trong nước. 

Mặc dù hiện tại đã đứng trên đỉnh cao của danh vọng, nhưng khán giả vẫn thường thấy một nghệ sĩ Hoài Linh giản dị mặc áo bà ba, ăn cơm với mắm. Là một ngôi sao nổi tiếng nhưng ở “sáu Bảnh” vẫn toát lên vẻ thân thiện với bà con. Do anh thấu hiểu được sự thành công ngày hôm nay của mình là nhờ khán giả, không có khán giả, người nghệ sĩ sẽ chẳng là gì cả.

Chính vì vậy, anh luôn tâm niệm và nhắc nhở thế hệ đàn em phải luôn trân trọng khán giả, hoạt động thật nghiêm túc để tạo ra các sản phẩm nghệ thuật chất lượng nhằm báo đáp lại sự yêu mến mà họ dành cho mình.

 

Bình luận
Không có dữ liệu